Việc phế lập trước khi lên ngôi Lê_Hiển_Tông

Thời Lê Trung hưng, nhà Lê mất hết quyền hành, triều chính do các chúa Trịnh thao túng. Việc lập vua, thậm chí lập hoàng hậuthái tử đều có sự can thiệp của họ Trịnh.

Sau cái chết bức tử của Lê Kính Tông (1619), các vua Lê đều nép mình không dám chống đối họ Trịnh. Suốt hơn 100 năm, việc nối ngôi của các đời vua Lê ổn định, không có xáo trộn. Tuy nhiên, tới cuối niên hiệu Thái Bảo thời Lê Dụ Tông, khi hoàng tử Duy Diêu lớn lên, lại bắt đầu xảy ra việc phế lập.

Tháng 7 năm 1727, chúa Trịnh Cương ép vua Lê Dụ Tông bỏ con trưởng là Duy Tường để lập Duy Phường, con trai của chính cung Trịnh thị[2] làm Hoàng thái tử. Năm 1729, lại ép Dụ Tông nhường ngôi cho Duy Phường; 2 năm sau, Dụ Tông qua đời.[3]

Sau khi Trịnh Cương chết (cùng năm 1729), Trịnh Giang nối ngôi lại muốn thay đổi việc làm của cha vì Trịnh Cương khi sống từng có ý định thay ngôi thế tử của mình, nên lại tiếp tục làm việc phế lập. Tháng 8 năm 1732, Trịnh Giang truất Lê Duy Phường làm Hôn Đức công, đưa Duy Tường lên ngôi vua, tức Lê Thuần Tông. Tháng 4 năm 1735, Thuần Tông mất sớm, Trịnh Giang lại lập Duy Thận, em Thuần Tông làm vua, tức Lê Ý Tông. Tháng 9 năm đó, Giang giết luôn vua từng bị phế là Hôn Đức công Lê Duy Phường. Theo Cương mục, khi đó Duy Diêu 19 tuổi, là con trưởng và dòng đích của Nhu Thuận hoàng hậu lại là người cao tuổi nhất trong các hoàng tử của Thuần Tông, "nhưng Trịnh Giang e rằng Duy Diêu tuổi đã trưởng thành, và nhận thấy Duy Thận (17 tuổi) là cháu ngoại bà Thái phi Vũ thị, trước kia vẫn nuôi nấng ở trong phủ, thân cận yêu thương có phần dễ kiềm chế. Giang mới nói thác ra rằng diện mạo Duy Thận giống như tiên đế, nên quyết ý lập làm vua."